Một số văn bản pháp quy thể hiện xã hội hoá hoạt động bảo tàng

Xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là làm cho mọi hoạt động trong lĩnh vực văn hóa lan tỏa khắp các thành phần xã hội, thu hút các thành viên trong xã hội tham gia, từ đó huy động được tiềm năng trí tuệ và vật chất của toàn xã hội đầu tư vào văn hóa. 

Trong khi đó, Bảo tàng là một thiết chế văn hóa với chức năng cơ bản là nghiên cứu, giáo dục, phổ biến tri thức khoa học. Sự phát triển của bảo tàng phải dựa trên cơ sở khoa học, phải là công việc mang tính khoa học. Vì vậy, để giải quyết vấn đề xã hội hóa hoạt động bảo tàng là cả một quá trình lâu dài. Trong quá trình đó chúng ta phải giải quyết mối quan hệ khăng khít và nhiều lúc đối ngược nhau giữa khoa học và xã hội hoá, giữa khoa học và phong trào.
 

Xã hội hóa hoạt động bảo tàng nằm trong chủ trương khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, y tế, thể dục - thể thao của Đảng và Nhà nước. Đây là chủ trương nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo ngày càng cao của nhân dân. Từ Sắc lệnh 65 năm 1945, Nghị quyết 90/CP năm 1997; Nghị định 73/1999/NĐ-CP năm 1999 và gần đây nhất là Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ đều thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hoá công tác bảo tàng và di tích.

Sắc lệnh 65 do chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ngày 23 tháng 11 năm 1945 về An ninh nhiệm vụ của Đông Dương Bác cổ học viện: "Cấm phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia kí, đồ vật, chiếu sắc văn bằng, giấy má, sách vở có tính tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn".

Sắc lệnh 65 cho thấy tầm nhìn xa của chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc gìn giữ, bảo tồn di tích, hiện vật có giá trị văn hoá - lịch sử. Sắc lệnh 65 là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Sắc lệnh 65 tuy ngắn gọn, súc tích, nhưng lại phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Đó là quan điểm về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa...

Trong Pháp lệnh 14 LCT/HĐND ngày 4/4/1984 về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh, tại Chương III, điều 18 đã nêu rõ: “Nhà nước khuyến khích việc đóng góp tự nguyện của nhân dân vào việc bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh”.

Pháp lệnh 14 LCT/HĐND ra đời nhằm mục đích bảo vệ và sử dụng có hiệu quả di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh trong việc giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào dân tộc, nâng cao kiến thức, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ và văn hoá của nhân dân, xây dựng nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, làm giàu đẹp kho tàng di sản văn hoá dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá thế giới.

Tạo điều kiện bảo vệ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ tập thể trong việc bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh; Đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân trong việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh.

Tại Nghị quyết 90/CP ngày 21/08/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Vấn đề xã hội hoá hoạt động của bảo tàng cũng được nhắc đến, đó là: “Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các bảo tàng. Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Sưu tầm, chỉnh lý, phổ biến, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Các di tích khác giao phó cho dân bảo vệ và tu sửa theo sự hướng dẫn của nhiệm vụ của ngành văn hóa - thể thao. Cho phép xây dựng các phòng sưu tập của tập thể hoặc tư nhân”.

Nghị quyết thể hiện rõ tinh thần động viên, khích lệ, thu hút sự quan tâm, đóng góp của toàn dân vào quá trình xã hội hóa hoạt động bảo tàng và di tích trong chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Nghị quyết 90/CP được ban hành đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của các phòng sưu tập của tập thể hoặc tư nhân mới.

Với Luật Di sản văn hóa năm 2001 có 7 chương gồm 74 điều, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xã hội hóa các hoạt động bảo tàng và di tích. Luật Di sản văn hóa năm 2001 ra đời nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới; để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hoá cũng đồng thời có những quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá, như việc cho phép tổ chức trưng bày cổ vật ở nước ngoài, việc nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hoá của người nước ngoài ở Việt Nam và đặc biệt là việc hợp tác quốc tế để bảo hộ những di sản văn hoá Việt Nam ở nước ngoài.

Trong đó, có 2 điều trong Luật di sản văn hoá thể hiện rõ việc xã hội hoá ở bảo tàng di tích:

Tại điều 14, tổ chức và cá nhân có các quyền và nhiệm vụ như sau: Sở hữu hợp pháp di sản văn hóa, tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa, tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Điều 14 trong Luật Di sản văn hóa năm 2001 đã chỉ rõ quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa nói chung và hệ thống các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa nói riêng. Điều luật đã công nhận quyền sở hữu hợp pháp, quyền được tham quan và nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về các di sản văn hóa trên đất nước Việt Nam của các tổ chức, cá nhân. Tính chất xã hội hóa hoạt động bảo tàng và di tích của điều luật được thể hiện rõ ở điểm điều luật đã quy định các cá nhân, tổ chức phải có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, khuyến khích tinh thần quan tâm đến di sản văn hóa của dân tộc.

Tại điều 47 nêu rõ, Bảo tàng bao gồm:

- Bảo tàng quốc gia là nơi bảo quản và trưng bày các suy tập có giá trị tiêu biểu trong phạm vi cả nước.

- Bảo tàng chuyên ngành là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập có giá trị tiêu biểu về một chuyên ngành.

- Bảo tàng cấp tỉnh là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập có giá trị tiêu biểu ở địa phương.

- Bảo tàng tư nhân là nơi lưu giữ và trưng bày các sưu tập về một hoặc nhiều chủ đề.

Để tiếp tục hoàn thiện chủ trương tại Luật Di sản văn hóa bổ sung tháng 6 năm 2009, tại điều điều 47 được sửa thành: Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về tự nhiên, con người và môi trường sống của con người phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của quần chúng bao gồm: Bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập.

Điều luật này là mốc quan trọng đánh dấu sự công nhận chính thức của Đảng và Nhà nước về Bảo tàng ngoài công lập, góp phần thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các bảo tàng ngoài công lập trong cả nước như Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng không gian văn hóa Mường, Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày...

Phát triển Bảo tàng ngoài công lập cũng chính là một cách xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Vì vậy, việc sửa đổi bổ sung điều luật trên, khuyến khích thành lập các bảo tàng ngoài công lập là một hành động kịp thời, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.


Hoàng Homin (HUC) / Sưu tầm
Hey! Xin chào các bạn mình là một người có niềm đam mê mãnh liệt với công việc thiết kế Website, đặc biệt với Blogger. Bắt đầu tìm hiểu và tự học hỏi trên mạng từ năm 2012, và hiện tại dành 100% thời gian cho công việc trên Internet.

Bình Luận